Tư vấn Luật – Luật sư Thủ Đức: Ai có thể được mang thai hộ cho người khác
1. Ai có thể mang thai hộ
Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, tức là cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ không được ràng buộc với nhau về mặt vật chất.
Đồng thời, Điều 95 của Luật này cũng quy định, vợ chồng chỉ có quyền nhờ người mang thai hộ khi đã có xác nhận của bệnh viện về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Còn đối với người được phép mang thai hộ cũng phải thỏa mãn các điều kiện do Luật định. Tại khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 95. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
2. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Theo quy định này chủ thể có thể được mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ và đồng thời phải đáp ứng các điều kiện kèm theo do pháp luật quy định.
Thứ nhất, về điều kiện “phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng” nhằm tránh tình trạng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bởi lẽ không một người xa lạ nào lại dành thời gian dài 9 tháng 10 ngày để mnag thai cho một người khác mà không được hưởng bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào. Đây là điều kiện đầu tiên bắt buộc các cặp vợ chồng phải thỏa mãn khi muốn nhờ người khác mang thai hộ. Đồng thời điều kiện này còn nhằm thể hiện sự tương trợ giúp đỡ của các thành viên trong cùng gia đình, đảm bảo đúng và nhấn mạnh mục đích của mang thai hộ là vì mục đích nhân đạo. Thuật ngữ “người thân thích cùng hàng” được Luật sử dụng còn giúp việc đứa trẻ được sinh ra được xác định tư cách chủ thể, thứ bậc trong gia đình thuận lợi hơn phù hợp với phong tục tập quán trong nền nếp gia đình Việt Nam
Người thân thích theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP cụ thể:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
7. Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.
Bên cạnh những mặt tích cực ở trên thì việc quy định chỉ có người thân thích cùng hàng và đáp ứng điều kiện mới được mang thai hộ cũng đã bộc lộ hạn chế do việc giới hạn chủ thể được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng dẫn đến việc quyền lựa chọn chủ thể mang thai hộ của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn bị thu hẹp lại. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp các cặp vợ chồng là con một trong gia đình, không có chị, em gái cùng hàng hoặc có nhưng không đáp ứng các điều kiện được mang thai hộ như độ tuổi chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng chưa từng sinh con… dẫn đến việc các cặp vợ chồng không thể áp dụng kỹ thuật nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Thứ hai, điều kiện về “đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần” nhằm giúp người phụ nữ có tâm lý ổn định hơn khi thực hiện thiên chức làm mẹ khi sinh đứa trẻ thông qua kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là một quy định mang tính nhân văn ngăn chặn lạm dụng chức năng sinh sản của người phụ nữ, nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ mang thai hộ, giảm thiểu được các tai biến sản khoa trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, người được nhờ mang thai hộ “ chỉ được mang thai hộ một lần” có thể hiểu là người phụ nữ này chỉ được mang thai hộ một lần không phân biệt người nhờ mang thai là ai, việc mang thai hộ có thành công hay chưa.
Thứ ba, quy định về điều kiện “độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ” tại Luật nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe sinh sản của người phụ nữ cũng như sức khỏe của đứa trẻ được sinh ra bởi kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung “độ tuổi phù hợp” và chưa có quy định cụ thể về độ tuổi mang thai hộ. Do đó cần đưa ra mức độ tuổi mang thai thích hợp làm thước đo chung, giúp cho quá trình mang thai hộ diễn ra thuận lợi, hạn chế được các nguy cơ rủi ro cho phụ nữ cũng như đứa trẻ sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ.
Thứ tư, điều kiện “trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng” là một quy định thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Bên cạnh việc đề cao tính nhân đạo của việc mang thai hộ, thì vấn đề bảo vệ hạnh phúc gia đình cũng là vấn đề cần được quan tâm và bảo vệ. Sở dĩ vậy, bởi sau khi kết thúc quá trình mang thai hộ, người phụ nữ tiếp tục quay trở lại sinh hoạt bình thường bên gia đình của mình. Bởi vậy việc pháp luật đưa ra điều kiện phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng). Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những trường hợp không tuân thủ như do chồng đi công tác xa nên người vợ đã giả mạo chữ ký hoặc chồng phản đối,.. vì vậy cần có quy định cụ thể xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Thứ năm, điều kiện là “đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”. Nội dung tư vấn về các vấn đề này được cụ thể chi tiết tại Điều 15, 16, 17 Nghị định 10/2015/NĐ-CP bao gồm: tư vấn về y tế (Các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai như sảy thai, thai ngoài tử cung, băng huyết sau sinh và các tai biến khác; Khả năng phải mổ lấy thai; Khả năng đa thai; Khả năng em bé bị dị tật và phải bỏ thai; Các nội dung khác có liên quan); tư vấn về pháp lý (xác định cha mẹ con, quyền và nghĩa vụ của các bên); tư vấn về tâm lý (Tâm lý, tình cảm của người trong gia đình, bạn bè trong thời gian mang thai hộ; Tâm lý trách nhiệm đối với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nếu để sảy thai; Tác động tâm lý đối với con ruột của mình; Cảm giác mất mát, mặc cảm sau khi trao lại con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai; Chỉ thực hiện mang thai hộ khi động lực chính là mong muốn giúp đỡ cho cặp vợ chồng nhờ mang thai, không vì mục đích lợi nhuận; Các nội dung khác có liên quan). Việc quy định này nhằm đảm bảo người được mang thai hộ đã sẵn sàng và hiểu rõ những vấn đề có thể phát sinh trong và sau quá trình thực hiện mang thai hộ và vẫn tự nguyện thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
3. Ý nghĩa của mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Quy định việc mang thai hộ có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với các vợ chồng vô sinh, hiếm muộn mà còn có ý nghĩa đối với Nhà nước trong việc quản lý xã hội.
Các quy định về mang thai hộ sẽ tạo khung pháp lý an toàn trong các giao dịch mang thai hộ và có cơ chế phân biệt được với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại như hiện nay.
Giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được một phần nào đó nhu cầu mang thai hộ hiện nay.
Các quy định pháp luật về mang thai hộ giúp bảo vệ tốt hơn quyền của bà mẹ và trẻ em.
Việc pháp luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã giúp cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có cơ hội được làm cha làm mẹ, giải tỏa được gánh nặng tâm lý gia đình, hạn chế được sự đổ vỡ của hôn nhân.
Như vậy việc pháp luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và quy định các điều kiện của người được mang thai hộ là bước tiến lớn trong lịch sử lập pháp của nước ta. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình trạng thực tế cũng như nhu cầu xây dựng gia đình vẹn tròn, hạnh phúc của những cặp vợ chồng vô sinh. Việc đặt ra những điều kiện nhằm đảm bảo việc mang thai hộ thực hiện đúng với bản chất của nó, không bị thương mại hóa. Có thể nói đây là quy định mang tính nhân văn, góp phần ổn định xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Vilakey Thủ Đức