Tư vấn Luật – Luật sư Thủ Đức: Bao nhiêu tuổi thì được quyền lập di chúc?
Bao nhiêu tuổi thì được quyền lập di chúc?
1. Di chúc là gì?
Di chúc là cụm từ mà chúng ta vẫn thường xuyên hay dùng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ đầy đủ bản chất của di chúc. Khái niệm di chúc được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 624. Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Theo đó, di chúc là sự thể hiện ý chí bằng văn bản hoặc bằng miệng của một cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc bằng văn bản hay di chúc bằng miệng muốn được pháp luật công nhận thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Di chúc đáp ứng được hai điều kiện trên sẽ được pháp luật Việt Nam công nhận là di chúc hợp pháp. Bên cạnh đó thì độ tuổi được quyền lập di chúc cũng là một điều kiện kèm theo, nếu người đó không tuổi được quyền lập di chúc thì di chúc họ lập ra sẽ không có hiệu lực pháp lý
2. Bao nhiêu tuổi thì có quyền lập di chúc?
Hiện nay, việc người trẻ thành công ngay từ lúc nhỏ đã không còn hiếm thấy. Điển hình như cô bé người Mỹ gốc Phi mới 13 tuổi nhưng đã là một CEO của một thương hiệu nổi tiếng khắp nước Mỹ. Việc thành công này cũng đem lại cho cô bé một gia tài đáng giá. Đối với bất kỳ ai sở hữu một số lượng tài sản nhất định cũng sẽ mong muốn để lại tài sản của mình cho những người thân yêu sau khi chết thông qua di chúc. Việc người thành niên lập di chúc thì không có gì xa lạ, vậy đối với trẻ em hoặc người vị thành niên giống như cô bé trên sở hữu một gia tài thì liệu có được lập di chúc định đoạt tài sản của mình hay không. Để giải đáp câu hỏi này thì cụ thể tại Điều 625 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định độ tuổi có quyền lập di chúc như sau:
Điều 625. Người lập di chúc
1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Theo quy đinh trên,thì người từ đủ mười lăm tuổi thì sẽ có quyền lập di chúc, và sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Người thành niên: là người từ đủ mười tám tuổi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật là minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; thì có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: có tài sản riêng và muốn lập di chúc định đoạt tài sản của mình thì phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đồng thời di chúc trong trường hợp này phải được lập thành văn bản.
Vilakey Thủ Đức./