Tư vấn Luật – Luật sư Thủ Đức: Cấm Fe Credit gọi điện đòi nợ người thân khách hàng.
1. Quy định về đòi nợ trước kia
Đương nhiên có vay thì phải có trả. Nhưng thực tế, nhiều người đi vay lại không tự giác trả tiền theo đúng thời hạn quy định trong hợp đồng vay. Trước tình trạng như vậy thì pháp luật cho phép các công ty tài chính là bên cho vay có quyền triển khai các hoạt động đòi nợ nhằm thúc dục người đi vay trả nợ. Cụ thể tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN trước kia quy định về quyền đòi nợ của công ty tài chính như sau:
“đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng;”
Như vậy, theo Thông tư 43 thì các công ty tài chính phải thực hiện việc đòi nợ phải phù hợp với quy định pháp luật. Tức là không có những hành vi như gây thương tích, đe dọa, cưỡng ép, khủng bố tinh thần,…. nhằm mục đích đòi nợ. Ngoài ra, Thông tư 43 chỉ giới hạn thêm về khoảng thời gian mà các công ty tài chính được thực hiện đòi nợ là từ 7 giờ đến 21 giờ. Điều này xuất phát từ việc pháp luật tốn trọng và bảo vệ quyền được nghỉ ngơi và không để các “chủ nợ” làm ảnh hưởng cuộc sống của những người thân trong gia đình người đi vay.
2. Những quy định mới thắt chặt hoạt động đòi nợ
Thực tiễn trong thời gian Thông tư 43 có hiệu thực điều chỉnh hoạt động của các công ty tài chính thấy rằng việc đòi nợ đã phần nào làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của những người đi vay và cả những người thân, bạn bè của họ. Thông thường, khi làm thủ tục vay tiêu dùng, người đi vay thường được yêu cầu phải cung cấp thông tin, số điện thoại của những người thân, bạn bè để nếu trường hợp quá hạn mà người vay tiền chưa trả nợ thì sẽ gây áp lực bằng cách gọi điện cho những người này. Điều này được dư luận nhiều lần phản ánh là đã phần nào xâm phạm quyền con người, làm ảnh hưởng, gây phiền toái đến cuộc sống của những người thân, bạn bè người đi vay, vốn hầu hết là những người không liên quan tới việc vay tiền.
Do vậy, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN nhằm sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 43/2016/TT-NHNN. Cụ thể, theo Thông tư 18 thì điểm đ, khoản 2 Điều 7 của Thông tư 43 được sửa đổi như sau:
“đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;”.
Như vậy, so sánh trước và sau khi được sửa đổi thấy rằng Ngân hàng nhà nước đã thắt chặt quản lý đối với hoạt động đòi nợ của các công ty tài chính. Cụ thể có 4 điều được bổ sung như sau:
– Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 05 lần/ngày;
– Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ;
– Phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Thông tư 18 sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 1/1/2020. Kể từ đó, chắc hẳn hiện tượng nhiều người bị nhân viên của các công ty tài chính gọi điện làm phiền về vấn đề đòi nợ của người thân hay bạn mình sẽ không còn nữa
Hy vọng bài viết này hữu ích cho các bạn.
Vilakey Thủ Đức./