Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hay nói cách khác là người sử dụng lao động lợi dụng vị trí yếu thế và sự kém hiểu biết của người lao động để tự ý chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật lao động. Để giúp đỡ phần nào cho người lao động, Luật sư Thủ Đức trong bài viết dưới đây xin đưa ra các thông tin về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
1. Khái niệm:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thể là đúng pháp luật hoặc trái pháp luật dựa trên các quy định của pháp luật.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là việc người lao động hoặc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng không tuân thủ các trường hợp mà pháp luật cho phép mỗi bên được quyền đơn phương chấm dứt.
2. Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
– Về lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng:
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước quy định tại Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019
Người sử dụng lao động chỉ được đơn phương chấm dứt khi đáp ứng đủ một trong các căn cứ tại Điều 36 BLLĐ 2019
– Về thời hạn thông báo trước:
Tại Khoản 1 Điều 35 và khoản 2 Điều 36 BLLĐ 2019 quy định:
Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019;
Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, các trường hợp người sử dụng lao động bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật bao gồm:
– Vi phạm quy định về các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước quy định tại Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019
– Vi phạm quy định về các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động được quy định tại Khoản 1 Điều 36 BLLĐ năm 2019.
– Vi phạm thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 35 và Khoản 2 Điều 36 BLLĐ năm 2019.
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong trường hợp không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
3.1. Đối với người lao động
Theo quy định tại Điều 40 BLLĐ 2019 thì hậu quả pháp lý sẽ là:
Thứ nhất, không được trợ cấp thôi việc.
Thứ hai, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp động lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
Thứ ba, phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 Luật này
3.2. Đối với người sử dụng lao động
Theo Điều 41 BLLĐ năm 2019 thì hậu quả pháp lý cơ bản sẽ là:
Thứ nhất, phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Thứ hai, Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định. Người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định để chấm dứt hợp đồng lao động.
Thứ ba, Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng đồng ý. Ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả và trợ cấp thôi việc. Hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Thứ tư, Trong trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc. Ngoài khoản tiền bồi thường hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Thứ năm, Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Ngoài các trách nhiệm nêu trên, NSDLD có thể phải gánh trách nhiệm hành chính hay hình sự tùy theo mức độ vi phạm của mình. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì NSDLD còn có thể chịu trách nhiệm hinh sự theo quy định tại điều 162 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:
“ Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”
Để được tư vấn cụ thể hơn bởi đội ngũ Luật sư giỏi của chúng tôi, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.