Không phải bao giờ cá nhân, pháp nhân cũng có thể trực tiếp tham gia vào quan hệ hợp đồng. Việc không tham gia trực tiếp có thể có nhiều lý do khác nhau. Hoặc khi đã tham gia vào quan hệ hợp đồng nhất định nhưng không có điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy, pháp luật cho phép họ có thể ủy quyền cho người thứ ba đứng ra thực hiện. Thay mặt mình giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Vậy hợp đồng ủy quyền là gì? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Luật sư Thủ Đức sẽ làm sáng tỏ vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
1. Hợp đồng ủy quyền là gì?
Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền cụ thể như sau:
“Điều 562. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
2. Đặc điểm của hợp đồng ủy quyền
Các đặc điểm của Hợp đồng uỷ quyền làm rõ tính chất của hợp đồng này.
2.1. Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng song vụ
Bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thực hiện đúng phạm vi ủy quyền và có nghĩa vụ cung cấp thông tin, giấy tờ liên quan đến việc thực hiện công việc của bên ủy quyền
Bên được ủy quyền phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ được ủy quyền trong quan hệ với người thứ ba
2.2. Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù
Nếu bên thực hiện việc ủy quyền nhận thù lao thì hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù. Nếu bên thực hiện việc ủy quyền không nhận thù lao mà thực hiện công việc ủy quyền mang tính chất giúp đỡ, tương trợ bên ủy quyền thì đó là hợp đồng không có đền bù.
3. Đối tượng của hợp đồng ủy quyền
Trong quan hệ ủy quyền, người được ủy quyền thay mặt người ủy quyền thực hiện một số hành vi nhất định làm phát sinh hậu quả pháp lí, liên quan đến quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng hoặc lợi ích của người đã ủy quyền.
Vì vậy, đối tượng của ủy quyền là những hành vi pháp lí, những hành vi này không bị pháp luật cấm và không trái với đạo đức xã hội. Hành vi đó được thực hiện thông qua việc xác lập, thực hiện các giao dịch và các hành vi khác với mục đích đạt được những hậu quả pháp lí nhất định ( ủy quyền quản lí tài sản).
4. Chấm dứt ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền chấm dứt theo các căn cứ chung về chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng ủy quyền có căn cứ chấm dứt riêng
– Hợp đồng ủy quyền chấm dứt khi hết thời hạn
+ Việc ủy quyền phải lập thành văn bản đã xác định rõ thời hạn ủy quyền. Trong thời gian đó, bên được ủy quyền phải thực hiện xong công việc đã được ủy quyền. Trong trường hợp bên được ủy quyền chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong nghĩa vụ của mình vì những lí do khách quan, chủ quan mà việc ủy quyền hết thời hạn thì hợp đồng ủy quyền chấm dứt.
– Bên được ủy quyền đã thực hiện xong công việc ủy quyền và giao lại kết quả công việc cho bên ủy quyền
– Hợp đồng ủy quyền chấm dứt khi một trong hai bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ ủy quyền, bên ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc bên được ủy quyền đã thực hiện được 1 số công việc nhưng sau đó vi phạm hợp đồng, bên ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
– Một trong hai bên chết, hợp đồng ủy quyền chấm dứt. Hợp đồng ủy quyền do các bên trực tiếp thực hiện. Do vậy nếu 1 bên chết thì chấm dứt hợp đồng ủy quyền.
Để được tư vấn cụ thể hơn về vấn đề này bởi đội ngũ Luật sư giỏi. Hãy liên hệ với chúng tôi ngay.