telegram
whatsapp
chat
zalo
call

Hướng dẫn thủ tục khiếu nại đất đai mới nhất năm 2020.

Tư vấn LuậtLuật sư Thủ Đức: Hướng dẫn hủ tục khiếu nại đất đai mới nhất năm 2020

1. Khiếu nại đất đai được hiểu như thế nào?

Ở Việt Nam, quyền khiếu nại được ghi nhận trong Hiến pháp và được thể chế hóa trong các văn bản luật và dưới luật.

Điều 30 Hiến pháp 2013 ghi nhận:

Điều 30.

Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Quyền khiếu nại đã được cụ thể chi tiết trong Luật Khiếu nại năm 2011, cụ thể tại khoản 1 Điều 2 quy định như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Từ các quy định trên có thể hiểu khiếu nại về đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất theo thủ tục của Luật Khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy người thực hiện khiếu nại ở đây chính có thể là người sử dụng đất (hộ gia đình, cá nhân, tổ chức xã hội); người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất (người nhận tặng cho, người nhận chuyển nhượng,…); người được ủy quyền (luật sư..). Đối tượng khiếu nại đất đai là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nhưng khi làm hồ sơ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị từ chối cấp giấy chứng nhận hoặc tiếp nhận hồ sơ nhưng quá thời hạn mà không cấp thì hộ gia đình, cá nhân có quyền khiếu nại. Lúc này người có đề nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể làm đơn khiếu nại về hành vi hành chính của cán bộ đã không thực hiện cấp giấy chứng nhận trong thời hạn.

2. Điều kiện thực hiện quyền khiếu nại đất đai

Theo quy định của pháp luật thì bao gồm khiếu nại lần đầu và khiếu nại lần 2. Theo đó điều kiện để thực hiện khiếu nại được cụ thể như sau

Thứ nhất với khiếu nại lần đầu thì chủ thể thực hiện quyền khiếu nại cần lưu tâm những vấn đề:

Về chủ thể: Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có người đại diện hợp pháp thực hiện khiếu nại trong trường hợp khiếu nại thông qua người đại diện;
Về cách thức: Người khiếu nại tự mình thực hiện thì phải là người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại;
Căn cứ: Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình (trái pháp luật nhưng không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì không có quyền khiếu nại mà có quyền tố cáo).
Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.
Thời hạn: Còn thời hiệu, thời hạn khiếu nại hoặc đã hết thời hiệu, thời hạn mà có lý do chính đáng.
Thứ hai, điều kiện thực hiện khiếu nại lần 2

Ngoài các điều kiện theo thủ tục khiếu nại lần đầu thì khi thực hiện quyền khiếu nại theo thủ tục khiếu nại lần 2 thì phải có quyết định giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu và người có khiếu nại lần đầu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu nên tiến hành khiếu nại lần 2.

3. Trình tự thủ tục khiếu nại đất đai

Trong lĩnh vực đất đai có rất nhiều các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính có thể bị khiếu nại, tuy nhiên dù là khiếu nại quyết định nào đi chăng nữa hay hành vi hành chính nào thì người thực hiện khiếu nại cũng cần thực hiện theo trình tự khiếu nại.

Trình tự khiếu nại lần đầu

Bước 1: Chuẩn bị đơn khiếu nại

Trong bước này bạn cần chuẩn bị đơn khiếu nại và trong đơn phải trình bày rõ ràng các nội dung sau:

Ngày, tháng, năm khiếu nại;
Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Lưu ý: Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Bước 2: Gửi đơn khiếu nại

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ đơn khiếu nại thì bạn tiến hành gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở đây có thể là Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh,…Việc xác định thẩm quyền giải quyết để có thể gửi đơn đúng địa chỉ thì phải căn cứ vào quyết định hay hành vi hành chính mà bạn muốn khiếu nại là nằm trong phạm vi nào. Thông thường sẽ khiếu nại quyết định hành chính hay hành vi hành chính của chính người đã ban hành ra quyết định đó.

Bước 3: Tiếp nhận và thụ lý đơn

Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người có thẩm quyền tiếp nhận đơn.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết;

Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

Bước 4: Xác minh nội dung khiếu nại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:

Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 5: Tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

Việc đối thoại phải được lập thành biên bản.

Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Bước 6. Ra và gửi quyết định giải quyết khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Gửi kết quả giải quyết khiếu nại:Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:

Người khiếu nại;
Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến;
Cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
Trình tự giải quyết khiếu nại lần 2

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ khiếu nại lần 2

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Hồ sơ khiếu nại lần hai gồm:

Đơn khiếu nại;
Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
Các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Bước 2: Nộp hồ sơ

Nơi nộp: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai – thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cấp đã ra quyết định bị khiếu nại.

Ví dụ: Khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu về cấp giấy chứng nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp xã thì người khiếu nại có thể khiếu nại lần 2 đến Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu giải quyết.

Bước 3. Thụ lý đơn

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết mà việc khiếu nại lần hai có đủ điều kiện thì phải thụ lý giải quyết.

Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.

Bước 4. Xác minh nội dung khiếu nại

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Bước 5. Tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.

Bước 6. Ra quyết định giải quyết khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại: Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:

Người khiếu nại;
Người bị khiếu nại;
Người giải quyết khiếu nại lần đầu;
Người có quyền, nghĩa vụ liên quan;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
Lưu ý: Khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính theo khoản 2 Điều 33 và Điều 42 Luật Khiếu nại 2011.

Như vậy về cơ bản thì trình tự thủ tục khiếu nại lần đầu và khiếu nại lần 2 là giống nhau tuy nhiên thì khác nhau về thời gian giải quyết và chủ thể có thẩm quyền giải quyết.

4. Cách xử lý những khó khăn thường gặp trong quá trình khiếu nại đất đai

Qua quá trình thực hiện tư vấn về giải quyết những tranh chấp đất đai Luật sư X nhận thấy rằng khi người dân tự mình thực hiện thủ tục khiếu nại các quyết định hành chính hay hành vi hành chính thì gặp phải rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Sau đây Luật sư Vilakey  Thủ Đức xin chỉ ra một số chướng ngại khi thực hiện khiếu nại cũng như cách thức xử lý.

Các khó khăn khi thực hiện khiếu nại:

Người khiếu nại khiếu nại không đúng thẩm quyền
Xác định hành vi hành chính hay quyết định hành chính bị khiếu nại không chính xác
Chưa biết cách trình bày đơn khiếu nại và đặc biệt lý do khiếu nại chưa nêu rõ ràng được cơ sở pháp lý và khó chứng minh quyền lợi của mình bị xâm phạm
Chưa biết cách thu thập những tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc khiếu nại là đúng, chính xác.
Khiếu nại khi đã hết thời hạn khiếu nại
Bị cơ quan có thẩm quyền gây khó dễ
Khiếu nại không được giải quyết trong thời hạn và không đảm bảo trình tự trong khi người khiếu nại lại chưa biết cách đốc thúc quá trình giải quyết khiếu nại
Đơn khiếu nại bị từ chối giải quyết hoặc giải quyết nhưng không thỏa đáng.
Trên đây là những khó khăn thường gặp khi thực hiện khiếu nại. Vì vậy để có thể bảo vệ quyền lợi cho mình thì bạn nên tìm đến các luật sư chuyên môn để được tư vấn tận tình và thậm chí ủy quyền cho luật sư để thực hiện việc khiếu nại. Với tư cách là người am hiểu kiến thức pháp luật, có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp đất đai chắc chắn sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình một cách tốt nhất.

Vilakey Thủ Đức

Categories: Tư Vấn Pháp Luật

Tags: ,,

Leave A Reply

Your email address will not be published.