Tư Vấn Luật – Luật sư Thủ Đức: Ly hôn khi chồng/vợ đang ở nước ngoài không rõ địa chỉ?
1. Quyền ly hôn của công dân
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền kết hôn, ly hôn là quyền cơ bản của công dân trong quan hệ hôn nhân
Điều 39. Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình
1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Mặt khác, tại Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình cũng ghi rõ:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Như vậy, trong quan hệ hôn nhân, vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn.
2. Ly hôn khi vợ/chồng ở nước ngoài
Trường hợp ly hôn trong khi vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài mà nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của bị đơn thì nguyên đơn chỉ cần cung cấp nơi cư trú cuối cùng của bị đơn ở trong nước. Sau đó, nguyên đơn cần cung cấp cho Tòa địa chỉ cư trú, thông tin các thân nhân của bị đơn. Theo đó, Tòa án bằng các công tác nghiệp vụ sẽ xác định việc nhân thân này có đang giữ liên lạc thường xuyên với bị đơn ở nước ngoài hay không.
Mặt khác, nếu nhân thân này không cung cấp địa chỉ nơi ở cũng như các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến bị đơn thì Tòa án sẽ xác định đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu giếm địa chỉ, không hợp tác. Trong trường hợp này, nếu Tòa án xét thấy nguyên đơn có đầy đủ giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn là đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật thì Tòa án có thế tiến hành giái quyết vụ việc này bằng cách mở một phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn.
3. Thủ tục ly hôn
Trong trường hợp tình trạng của cuộc hôn nhân không thể kéo dài được nữa thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn. Để thực hiện việc ly hôn này thì nguyên đơn cần phải làm các thủ tục sau:
Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp cấp tỉnh, thành phố nơi bạn cư trú (có thể nộp trực tiếp tại Tòa hoặc qua đường bưu điện). Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
1. Đơn xin ly hôn (theo mẫu);
2. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
3. Sổ hộ khẩu, CMTND (bản sao chứng thực);
4. Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực – nếu có);
5. Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: GCNQSDĐ (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực).
Sau khi nhận hồ sơ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí
Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Sau khi có bản án, quyết định cuối cùng của Tòa án về việc ly hôn thì Tòa sẽ tống đạt các tài liệu này trực tiếp cho thân nhân của bị đơn để đảm bảo họ có thể thực hiện quyền kháng cáo của mình theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc bị đơn giấu địa chỉ hay bị đơn ở nước ngoài mà không cung cấp được địa chỉ nơi ở thì Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành văn bản cụ thể hướng dẫn rất chi tiết đối với các trường hợp này để người dân được đảm bảo thực hiện các quyền của mình một cách đầy đủ nhất.
Vilakey Thủ Đức./