Tiền lương của người lao động do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Vậy nguyền tắc trả lương được quy định theo pháp luật hiện nay như thế nào? Hãy cùng Luật sư Thủ Đức tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm tiền lương
– Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuân để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Nguyên tắc trả lương
2.1. Nguyên tắc thứ nhất: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Nguyên tắc này quy định các quyền, những điều mà người sử dụng lao động phải thực hiện trong hoạt động trả lương cho người lao động. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng lao động cũng như các quy định của pháp luật. Trả lương trực tiếp là trả lương trực tiếp cho người lao động, không thông qua người thứ ba. Trừ trường hợp có người lao động không thể trực tiếp nhận lương thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người được người lao động ủy quyền.
Người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình đối với người lao động trong quá trình trả lương, không chỉ đối với số tiền lương trả cho người lao động mà còn là cách thức trả lương, thời hạn trả lương để người lao động được nhận lương một cách đều đặn, liên tục, đủ để trang trải cho cuộc sống của mình.
2.2. Nguyên tắc thứ hai: Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Nguyên tắc này quy định những điều mà người sử dụng lao động tuyệt đối không được phép thực hiện trong hoạt động trả lương cho người lao động, đó là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tài sản của người lao động. Một khi người sử dụng lao động đã tiến hành trả lương cho người lao động, số tiền lương người lao động trở thành tài sản của người lao động, người lao động có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình. Do vậy, người sử dụng lao động không được phép can thiệp vào việc chi tiêu tiền lương của người lao động trong bất kỳ trường hợp nào, bởi bất kỳ lý do gì.
Ngoài ra, hành vi ép buộc người lao động chi tiêu lưng vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người lao động chỉ định là hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Người lao động không được hưởng toàn bộ tiền lương tương xứng với quá trình làm việc, lao động của mình do phải chi vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ cho người sử dụng lao động hoặc đơn vị khác do người sử dụng lao động chỉ định.
Như vậy, các nguyên tắc trả lương được xây dựng trên cơ sở đảm bảo cho quyền và lợi ích của người lao động, hạn chế khả năng lách luật của người sử dụng, đồng thời thực hiện cũng khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động thực hiện các thỏa thuận về trả lương mà không vi phạm các nguyên tắc này và quy định của pháp luật lao động về hoạt động trả lương và tiền lương.
Để được tư vấn luật cụ thể hơn đồng thời giải đáp những thắc mắc của bạn. Đừng ngại ngần mà hãy liên hệ với chúng tôi.