Tư vấn Luật – Luật sư Thủ Đức: Nhờ người khác nộp đơn ly hôn có được không?
1. Có được nhờ người khác nộp đơn ly hôn không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc nhờ người khác nộp đơn ly hôn là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên để việc nộp đơn hộ được tiến hành theo đúng thủ tục và quy định thì nguyên đơn cần phải làm hợp đồng ủy quyền nộp đơn cho người đi nộp hộ. Người này sẽ đại diện cho nguyên đơn thực hiện việc nộp đơn ly hôn tại Tòa án và bộ luật dân sự 2015 có quy định về ủy quyền như sau:
Điều 562. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Người đại diện được Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
Điều 85. Người đại diện
4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Việc nộp đơn ly hôn thay không bị pháp luật cấm, nên hoàn toàn có thể được ủy quyền nhờ người khác nộp hộ. Tuy nhiên, trên thực tế việc chỉ cầm hồ sơ tới cơ quan thẩm quyền để nộp hồ sơ sẽ gây khó khăn cho cả phía người nộp hộ và tòa án vì nhiều trường hợp cần hỏi đáp để làm rõ hay yêu cầu bổ sung giấy tờ gây mất thời gian. Ngoài ra có một số tòa án có thể yêu cầu người nộp hồ sơ xuất trình hợp đồng ủy quyền phải có công chứng hoặc đưa ra nhiều lý do khác nhau để từ chối nhận đơn thông qua người đại diện được ủy quyền.
Để thực hiện việc công chứng giấy ủy quyền thì nguyên đơn cần đưa người được ủy quyền đến Văn phòng công chứng để ký xác nhận sự đồng ý vào các giấy tờ văn bản có liên quan đến việc ủy quyền đó và nguyên đơn sẽ mất phí là 350.000 đồng cho một lần công chứng.
2. Các cách gửi đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn
Để đảm bảo việc nộp đơn được tiến hành thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật thì nguyên đơn có thể thực hiện đầy đủ các thủ tục và chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho việc ly hôn và gửi đơn qua đường bưu điện nếu không muốn trực tiếp nộp đơn tại Tòa án theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Điều 190. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
Có thể thấy rằng đây là phương án tối ưu cho những người không có nhiều thời gian đến tòa án để trực tiếp nộp hồ sơ. Tuy vậy, cách này sẽ tốn nhiều thời gian hơn thông thường vì sẽ vướng ở thời gian lưu chuyển phát của cơ quan vận chuyển. Trong trường hợp hồ sơ ly hôn của nguyên đơn còn thiếu giấy tờ cần thiết nào thì Tòa sẽ ra yêu cầu bổ sung gửi tới nguyên đơn để nguyên đơn nộp bổ sung, từ đó tòa án sẽ có căn cứ để giải quyết yêu cầu ly hôn.
3. Thẩm quyền giải quyết ly hôn
Vậy thì Tòa án cấp nào là Tòa có thẩm quyền thụ lý việc ly hôn? Nếu muốn gửi đơn ly hôn thì nguyên đơn cần phải gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:
Điều 39.Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ:
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc
Trong trường hợp hai người đã có sự ly thân trước đó hoặc nguyên đơn không rõ hoặc không biết hiện tại bị đơn đang ở đâu thì có thể gửi đơn lên Tòa án yêu cầu Tòa án ra Quyết định thông báo mất tích. Từ đó có các biện pháp giải quyết phù hợp với yêu cầu của pháp luật.
Hy vọng bài viết hữu ích cho các bạn.
vilakey Thủ Đức./