Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác. Vậy pháp luật hiện nay quy định về pháp nhân như thế nào? Hãy cùng Luật sư Thủ Đức làm sáng tỏ vấn đề này thông qua bài viết dưới đây:
1. Khái niệm pháp nhân là gì ?
Pháp nhân được quy định tại điều 74, Bộ luật dân sự năm 2015.
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Pháp nhân là một tổ chức nhất định của con ngươi, được pháp luật của một Nhà nước quy định có quyền năng chủ thể. Tuy nhiên, không phải bất kỳ một tổ chức nào cũng được Nhà nước công nhận có tư cách pháp nhân. Chỉ những tổ chức được thành lập theo trình tự, thủ tục và có đủ các điều kiện do pháp luật quy định hoặc tồn tại trên thực tế đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định và được Nhà nưốc công nhận thì mới có tư cách pháp nhân.
Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định.
2. Các quy định về pháp nhân
2.1. Quốc tịch của pháp nhân:
Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.
2.2. Phân loại pháp nhân
Pháp nhân bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại:
– Pháp nhân thương mại
- Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
- Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
- Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Pháp nhân phi thương mại
Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.
Pháp nhân phi thương mại bao gồm:
- Cơ quan nhà nước
- Đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
- Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.
- Tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp
- Quỹ xã hội, quỹ từ thiện,
- Doanh nghiệp xã hội
- Các tổ chức phi thương mại khác.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.3. Thành lập, đăng ký pháp nhân:
Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.
Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.
2.4. Đại diện của pháp nhân:
Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và các luật chuyên ngành như: Luật doanh nghiệp…
2.5. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự.
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
2.6. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân:
Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân. Trừ trường hợp luật có quy định khác.
Để được tư vấn cụ thể hơn bởi đội ngũ Luật sư giỏi, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.