Các quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển được quy định trong Bộ luật dân sự mang tính chất định hướng cho các bên trong quá trình đàm phán hợp đồng vận chuyển. Đồng thời, các quy định này cũng là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Vậy quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật sư Thủ Đức tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Hợp đồng vận chuyển tài sản là gì?
Theo Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vận chuyển tài sản như sau:
Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
2. Quyền, nghĩa vụ của bên vận chuyển
2.1. Nghĩa vụ của bên vận chuyển (Điều 534 BLDS 2015)
Một là, bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
Khi bên vận chuyển đã tiếp nhận tài sản vận chuyển thì dù về pháp lý tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên vận chuyển nhưng kể từ thời điểm đó, bắt đầu phát sinh trách nhiệm của bên vận chuyển về sự an toàn của tài sản.
Bên vận chuyển phải có trách nhiệm bảo quản tài sản, phải áp dụng mọi biện pháp bảo đảm cho việc vận chuyển tài sản đến địa điểm đã được xác định trong hợp đồng một cách an toàn, đúng thời hạn, không để mất mát, hư hỏng tài sản.
Hai là, có nghĩa vụ giao tài sản cho người có quyền nhận.
Dù đã chuyên chở tài sản đến địa điểm nhưng không giao tài sản cho đúng người có quyền nhận dẫn đến mất mát, thất thoát tài sản thì bên vận chuyển sẽ phải chịu trách nhiệm. Do đó, khi bàn giao tài sản, bên vận chuyển phải kiểm tra có đúng đối tượng có quyền nhận hay không thì mới giao.
Ba là, trong quá trình vận chuyển bên vận chuyển phải chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên vận chuyển không yêu cầu bên thuê vận chuyển chịu những chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển như chi phí xăng, dầu; chi phí cho người bảo vệ tài sản trên đường vận chuyển; chi phí bảo quản tài sản; chi phí cho các trạm thu phí trên đường vận chuyển… Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận mọi chi phí liên quan đến vận chuyển tài sản bên thuê vận chuyển chịu thì khi đó bên thuê vận chuyển mới chịu các chi phí nói trên.
Bốn là, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật
Các phương tiện vận chuyển bằng động cơ luôn là nguồn nguy hiểm cao độ với mọi người xung quanh. Đặc biệt khi phương tiện vận chuyển lưu hành thì nguy cơ xuất hiện những rủi ro với cả tài sản trên phương tiện vận chuyển càng lớn, nên vừa để nâng cao trách nhiệm cho bên vận chuyển, vừa để kịp thời khắc phục hậu quả nếu không may xảy ra sự cố, BLDS 2015 quy định bên vận chuyển phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật. Đây là một nghĩa vụ bắt buộc, chứ không phải là tùy nghi nên bên vận chuyển phải thực hiện nghiêm chỉnh.
Năm là, bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác
Trong trường hợp bên vận chuyển không bảo quản tốt, không bảo đảm an toàn tài sản trên đường vận chuyển dẫn đến mất mát, hư hỏng tài sản của bên thuê vận chuyển thì bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển.
2.2. Quyền của bên vận chuyển
Một là, có quyền kiểm tra sự xác thực của tài sản.
Việc kiểm tra tài sản dựa trên cơ sở đối tượng vận chuyển mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, dựa trên vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác. Từ đó bên vận chuyển xác định tài sản mà “bên thuê” vận chuyển giao cho mình có đúng như đã thỏa thuận hay không.
Hai là, từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng
Trường hợp bên vận chuyển phát hiện tài sản mà “bên thuê” vận chuyển bàn giao cho mình (có thể là bên thuê vận chuyển trực tiếp bàn giao tài sản, có thể khách hàng của bên thuê bàn giao tài sản…) không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận thì bên vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Ba là, bên vận chuyển có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.
Như trên đã phân tích, nếu các bên không có thỏa thuận về thời điểm thanh toán cước phí vận chuyển thì bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển.
Trường hợp hai bên có thỏa thuận về thời điểm thanh toán cước phí thì bên thuê vận chuyển thanh toán 2/3 cước phí vận chuyển. Khi tài sản được vận chuyển đến đúng địa điểm đã thỏa thuận và bàn giao tài sản đầy đủ cho bên có quyền nhận thì bên thuê vận chuyển thanh toán nốt 1/3 số tiền cước phí vận chuyển còn lại. Bên thuê vận chuyển phải thực hiện đúng thời hạn đã thỏa thuận khi bên vận chuyển đã hoàn thành tốt việc vận chuyển.
Bốn là, từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản cso tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết
Trong trường hợp bên thuê vận chuyển giao cho bên vận chuyển những tài sản mà luật cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, khi biết được hoặc theo quy định của pháp luật buộc bên vận chuyển phải biết thì bên vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển những loại tài sản đó.
Để được tư vấn cụ thể bởi đội ngũ Luật sư giỏi, hãy liên hệ chúng tôi ngay.