Tư Vấn Luật – Luật sư Thủ Đức: Tạm ngưng kinh doanh có thời hạn hay không
Tạm ngưng kinh doanh có thời hạn hay không
1. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh
Tạm ngừng kinh doanh phát sinh khi doanh nghiệp làm thủ tục xin tạm ngừng kinh doanh tại Sở kế hoạch 7 đầu tư. Việc tạm ngừng kinh doanh có hiệu lực kể từ ngày cơ quan đăng ký doanh nghiệp cấp giấy xác nhận tạm ngừng kinh doanh và có ghi thời gian gửi lại cho doanh nghiệp. Căn cứ Khoản 2 Điều 57 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về thời hạn của việc tạm ngừng kinh doanh như sau:
Điều 57. Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
2. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký chậm nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm.
Như vậy, thời hạn của việc tạm ngừng kinh doanh là 1 năm tính từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy xác nhận tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, khi hết thời hạn 1 năm nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng hoạt động kinh doanh trở lại, thì doanh nghiệp có quyền thông báo tiếp tục gia hạn việc tạm ngừng kinh doanh thêm 1 năm nữa. Do đó, sau khi hoàn tất thủ tục tạm ngừng kinh doanh và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, thời hạn tối đa mà doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh là 2 năm liên tiếp.
2. Gia hạn tạm ngừng kinh doanh
Trước khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh 15 ngày, chủ thể kinh doanh phải thực hiện việc lập hồ sơ xin ra hạn việc tạm ngừng kinh doanh. Nếu khi hết thời hạn 1 năm tạm ngừng kinh doanh dù vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh nhưng không thực hiện việc gia hạn, thì lúc này, về mặt pháp lý coi như doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động bình thường. Hậu quả của việc chậm trễ gia hạn này đó là việc doanh nghiệp sẽ phải chịu những khoản thuế, phí phát sinh trong năm tài chính đó và cũng như phải nộp tờ khai thuế dù không phát sinh các thu nhập chịu thuế.
Cụ thể, đối với thuế môn bài, khi đã hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp không thực hiện việc gia hạn hoặc chưa nhận được quyết định chấp thuận gia hạn do đã nộp hồ sơ chậm thì doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế môn bài cho cả năm đó (Căn cứ theo Thông tư 302/2016/TT-BTC)
3. Hậu quả pháp lý khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh
Đối với những trường hợp sau khi hết thời hạn 1 năm mà không gia hạn tạm ngừng kinh doanh và những trường hợp hết thời hạn 2 năm liên tiếp tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ đương nhiên chuyển trạng thái từ “tạm ngừng hoạt động” sang trạng thái “đang hoạt động”. Như vậy đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp sẽ phải chịu những khoản thuế, phí theo quy định pháp luật. Cụ thể các loại thuế doanh nghiệp phải chịu đó là:
Thuế môn bài (cả năm)
Thuế giá trị gia tăng (nếu có)
Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)
Thuế xuất, nhập khẩu (nếu có)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu phát sinh thu nhập bị tính thuể)
Nghĩa vụ về kê khai bảo hiểm xã hội
Nghĩa vụ khai báo, báo cáo thuế quý, năm
Sự kiểm tra của các cơ quan chức năng khi trạng thái doanh nghiệp được mở lại trên cổng thông tin.
Như vậy, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý về thời hạn tạm ngừng kinh doanh để có những biện pháp gia hạn kịp thời, hoặc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo quy định pháp luật. Thực tế xảy ra rất nhiều trường hợp các chủ doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo trình tự. Tuy nhiên, “bẵng” đi một thời gian do bận công việc khác mà quên mất đi việc tạm ngừng của doanh nghiệp đang tạm ngừng. Tới khi hết hạn tạm ngừng cũng không hề hay biết. Cho mãi tới khi nhận được văn bản của cơ quan thuế về việc nợ thuế môn bài thì mới nhận ra sự việc. Đồng nghĩa với đó là phải đóng thuế và chịu những khoản phạt do chậm nộp thuế theo quy định pháp luật.
Ví dụ: Có rất nhiều trường hợp tạm ngừng kinh doanh một năm tròn (từ 1/1 đến hết ngày 31/12) để tránh được khoản phí môn bài hàng năm khi doanh nghiệp không hoạt động một ngày nào. Tuy nhiên đến ngày 20/12 thì doanh nghiệp có liên hệ LSX để yêu cầu hỗ trợ việc tạm ngừng năm thứ 2 liên tiếp với mong muốn tạm ngừng tròn 1 năm sau để tránh được khoản thuế môn bài năm tiếp theo. Việc này chúng tôi từ chối tiếp nhận vì theo quy định pháp luật doanh nghiệp phải liên hệ với chúng tôi trước ngày 15/12 để đảm bảo đủ thời gian thông báo trước tới sở kế hoạch & đầu tư là 15 ngày.
4. Doanh nghiệp được tạm ngừng kinh doanh tối đa bao lâu
Như đã nêu ở trên, pháp luật quy định việc tạm ngừng kinh doanh không quá 2 năm liên tiếp. Trong đó mỗi lần đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1 năm và được gia hạn thêm 1 năm nữa. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định số lần tối đa một doanh nghiệp được đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Vì vậy, thực tế, doanh nghiệp có thể thực hiện việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhiều lần trong khoảng thời gian dài. Miễn sao cứ sau mỗi 2 năm, khi hết hạn tạm ngừng kinh doanh và trạng thái “tạm ngừng kinh doanh” được chuyển thành “đang kinh doanh”. Doanh nghiệp sau khi thực hiện việc nộp các khoản thuế, phí như đã nêu ở mục 3 của bài viết thì sẽ tiếp tục có quyền đăng ký tạm ngừng doanh nghiệp.
Thực tế, hoạt động kinh doanh diễn ra để nhằm mục đích lợi nhuận, do đó một khi mục đích này không được đáp ứng thì doanh nghiệp có thể tạm ngừng hoạt động cho tới bất cứ khi nào sẵn sàng kinh doanh tiếp. Tuy nhiên về mặt pháp luật, trong suốt quãng thời gian đó, trạng thái ngừng hoạt động của doanh nghiệp có thể chuyển sang đang hoạt động nếu hết thời hạn 2 năm liên tiếp và chỉ quay trở lại trạng thái tạm ngừng hoạt động khi được thực hiện lại thủ tục đăng ký tạm ngưng kinh doanh.
Việc đăng ký tạm ngừng nhiều lần được pháp luật cho phép, tuy vậy, có thể nhận ra chi phí cho mỗi lần chuyển trạng thái sau mỗi 2 năm là điều doanh nghiệp đáng bận tâm. Khi ấy, nghĩa vụ phải nộp thuế sẽ phát sinh, tối thiêu nhất đó là thuế môn bài của cả năm khi thời hạn tạm ngừng kinh doanh hết hạn. Bên cạnh đó là việc phải nộp tờ khai thuế cũng làm phiền hà cho chủ doanh nghiệp. Do vậy, nếu không phải vì một lý do đặc biệt nào khác, thì xét trên phương diện kinh tế, việc tạm ngừng kinh doanh nhiều lần và trong thời gian nhiều năm là không hợp lý. Doanh nghiệp nên thực hiện thủ tục giải thể nếu xác định phải tạm ngừng kinh doanh trong thời gian dài trên 3 năm.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý độc giả đặc biệt là những chủ doanh nghiệp những lưu ý hữu ích về thời hạn tạm ngừng kinh doanh.
Hy vọng bài viết hữu ích cho các bạn.
Vilakey Thủ Đức./