telegram
whatsapp
call
zalo
chat

Thỏa ước lao động tập thể là gì?

Thoả ước lao động tập thể là sản phẩm của quá trình thương lượng tập thể thành công và là kết quả cuối cùng các bên đạt được khi cuộc thương lượng kết thúc. Bài viết này Luật sư Thủ Đức sẽ phân tích, làm sáng tỏ các hiểu đúng về thỏa ước lao động tập thể, cụ thể:

1. Thỏa ước lao động tập thể là gì?

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể gồm: Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định. Mặc dù là văn bản thỏa thuận giữa các bên tuy nhiên nội dung thỏa thuận không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý chủ yếu để từ đó hình thành nên mối quan hệ lao động có tính tập thể, tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của cả hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động. Hơn thế nữa, nó còn tạo điều kiện để người lao động, bằng sự thượng lượng, mặc cả, thông qua sức mạnh của cả tập thể với người sử dụng lao động để có thể hưởng những lợi ích cao hơn so với sự quy định trong pháp luật.

2. Vai trò của thoả ước lao động tập thể trong cơ chế thị trường:

– Dung hoà quyền lợi và tránh nhiệm giữa hai bên:

Người sử dụng lao động và người lao động ở một góc độ nào đó đều cần có nhau để đạt được mục đích của mình. Người sử dụng lao động cần đến sức lao động của người lao động để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, thông qua đó kiếm lời. Còn người lao động cũng cần cung ứng sức lao động của mình cho chủ sử dụng lao động để có thu nhập nuôi sống bản thân và các thành viên khác trong gia đình. Xuất phát từ nhu cầu đó mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần phải hợp tác với nhau trong mối quan hệ sử dụng lao động.

Song, hiệu quả của sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của chủ sử dụng lao động cũng như thu nhập của người lao động lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của các bên và việc các bên thực hiện các cam kết của mình trên thực tế. Biện pháp tốt nhất và cũng là hữu hiệu nhất để nâng cao ý thức tránh nhiệm của các bên đồng thời cũng giúp các bên đạt được lợi ích kinh tế của mình chính là thoả ước lao động tập thể. Thoả ước được ký kết sẽ thống nhất được lợi ích của các bên; đồng thời, ràng buộc tránh nhiệm của các bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ lao động.

– Điều hoà lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn xung đột:

Thoả ước lao động tập thể được ký kết sẽ tạo điều kiện cho người lao động được bình đẳng trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Nó nâng cao vị thế của người lao động, tạo điều kiện cho họ có được những thoả thuận có lợi hơn so với quy định của pháp luật. Mặt khác, thoả ước lao động tập thể còn thống nhất được chế độ lao động đối với những người lao động trong cùng một doanh nghiệp hoặc một ngành, một nghề. Điều này sẽ giúp loại trừ sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người lao động trong các bộ phận doanh nghiệp hoặc giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành, một nghề, hạn chế được các xung đột và tranh chấp trong quan hệ lao động.

Đối với người sử dụng lao động, thoả ước lao động tập thể cũng giúp họ kìm chế được xu hướng lạm quyền đối với người lao động, đồng thời đảm bảo cho họ quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển doanh nghiệp.

– Cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp lao động:

Tranh chấp lao động tập thể thường là tranh chấp về thoả ước. Đó có thể là những tranh chấp về việc các bên không thực hiện đúng những điều cam kết trong thoả ước, hoặc cũng có thể là những tranh chấp về các điều khoản đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế tại thời điểm phát sinh tranh chấp. Vì vậy, đương nhiên thoả ước sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp này.

– Nguồn quy phạm đặc biệt:

Thoả ước tuy được hình thành trên cơ sở tự do thương lượng, thoả thuận giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động, song thoả ước còn có tính quy phạm và được coi là “bộ luật con” trong doanh nghiệp. Vì vậy, thoả ước được ký kết sẽ là nguồn quy phạm bổ sung cho các quy định của pháp luật lao động tại đơn vị. Nó không chỉ được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn mà còn chứa đựng những quy tắc có tính chất bắt buộc thực hiện đối với các bên ký kết và các chủ thể có liên quan.

Để được tư vấn rõ hơn cũng như giải đáp thắc mắc của bạn, hãy liên hệ với chúng tôi để được đội ngũ Luật sư giỏi hỗ  trợ.

Categories: Tư Vấn Pháp Luật

Tags: ,,

Leave A Reply

Your email address will not be published.