Thương lượng tập thể không thành là gì? Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về vấn đề này? Hãy cùng Luật sư Thủ Đức tìm hiểu về thông qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm thương lượng tập thể không thành
Thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
“Không thành” được hiểu là việc không đạt được mục đích hoặc không tiến hành được một việc gì đó.
Từ đó có thể hiểu thương lượng tập thể không thành là việc không thể tiến hành hoặc không đạt được mục đích của thương lượng tập thể, không xác lập được những điều kiện lao động và sử dụng lao động cũng như giải quyết các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia qua hệ lao động.
2. Quy định về thương lượng tập thể không thành
Điều 71 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:
2.1. Thương lượng tập thể không thành thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 70 của Bộ luật này;
Trường hợp đầu tiên được quy định là thương lượng tập thể không thành là trường hợp một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật là 30 ngày kể từ ngày có yêu cầu thương lượng tập thể. Đây thực chất là trường hợp bên từ chối thương lượng đã vi phạm pháp luật do việc phải tiến hành thương lượng trong thời gian luật định là nghĩa vụ pháp lý của bên nhận được yêu cầu thương lượng. Hành vi vi phạm pháp luật này có thể bị xử lý và áp dụng chế tài theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, về phương diện quan hệ lao động, nó được xác định là một trường hợp thương lượng tập thể không thành và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động có thể được kích hoạt, bao gồm quá trình hòa giải, Trọng tài và cả việc bên người lao động là bên bị vi phạm thì họ vẫn có thể thực hiện quyền đình công theo quy định của pháp luật.
b) Đã hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này mà các bên không đạt được thỏa thuận;
Trong trường hợp này, cả bên người lao động và người sử dụng lao động đều đồng ý tiến hành thương lượng tập thể và cũng đã tiến hành hoạt động thương lượng tập thể trên thực tế.
Tuy nhiên, sự khác nhau về ý chí, sự mâu thuẫn về lợi ích giữa hai bên mà không bên nào chịu giảm lợi ích của mình xuống, khiến các bên không thể đi đến thống nhất chung. Mà thương lượng tập thể phải đi đến đích cuối cùng là đi đến sự đồng nhất về nội dung thương lượng. Pháp luật đã quy định một khoảng thời gian cần thiết là 30 ngày để các bên có cơ hội, thời gian nghiên cứu, bàn luận để đi đến thống nhất chung. Mà sau thời gian này hai bên không thể thỏa thuận với nhau được thì khi đó mục đích của thương lượng tập thể không đạt được. Do vậy mà thương lượng tập thể không thành.
c) Chưa hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
Có thể nhận thấy, trong trường hợp này, thì mâu thuẫn về lợi ích của các bên vô cùng gay gắt mà không có cách nào để giảm bớt, xoa dịu những mâu thuẫn này. Việc tuyên bố thương lượng không thành trong trường hợp này làm tránh việc lãng phí thời gian khi nhận thấy dù hết thời hạn quy định thì cũng thể thương lượng được, thay vào đó tuyên bố thương lượng không thành để có thể bước tiếp theo vào thủ tục tiếp theo.
2.2. Khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này. Trong khi đang giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện người lao động không được tổ chức đình công.
Việc giải quyết tranh chấp lao động này được tuân thủ theo quy định tại Chương XIV của Bộ luật Lao động năm 2019. Trong trường hợp này, đây chính là tranh chấp lao động về lợi ích.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động khi thương lượng không thành, thì người lao động phải tiếp tục lao động. Quy định này nhằm đảm bảo quyền của người sử dụng lao động. Vì khi hình thành quan hệ lao động, người sử dụng lao động đã phải đảm bảo những quyền của người lao động theo luật định, người lao động phải có nghĩa vụ theo hợp đồng lao động đã được giao kết. Do đó, quá trình giải quyết tranh chấp lao động khi thương không thành không ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động, nên người lao động vẫn phải tiếp tục làm việc trong quá trình này.
Để được tư vấn luật cụ thể hơn về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.