telegram
whatsapp
call
zalo
chat

Tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có độ tuổi dân số vàng, tức là người trẻ đang ở tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong xã hội. Tuy nhiên, một điều tất yếu là càng ngày càng có nhiều người đến độ tuổi nghỉ hưu. Vậy tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 hiện nay là bao nhiêu? Hãy cùng Luật sư Thủ Đức tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Tuổi nghỉ hưu là gì?

Nghỉ hưu là việc một người lao động khi đến một độ tuổi nhất định, điều kiện sức khỏe nhất định sẽ không làm việc nữa. Tuổi nghỉ hưu là độ tuổi theo quy định của pháp luật lao động mà người lao động đang làm những công việc do pháp luật quy định sẽ phải chấm dứt hợp đồng, chấm dứt làm việc để an dưỡng tuổi già.

Độ tuổi nghỉ hưu ở mỗi thời gian khác nhau là khác nhau, giữa nam và nữ cũng khác nhau. Sự khác nhau này là do sự phát triển của xã hội, sự phát triển của thể chất, sức khỏe trung bình của xã hội cũng khác nhau.

2. Tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019

Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2.1. Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể như sau:

– Kể từ 01/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ.

– Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

2.2. Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường

Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thông thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

– Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành.

– Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021;

– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

– Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên.

2.3. Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường

Các trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động được quy định cụ thể như sau:

– Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.

– Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động nghỉ hưu ở tuổi cao hơn thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Để được tư vấn cụ thể hơn bởi đội ngũ Luật sư giỏi, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

Categories: Tư Vấn Pháp Luật

Tags: ,

Leave A Reply

Your email address will not be published.