Khi tham gia hợp đồng lao động, người lao động cần lưu ý quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện đúng hợp đồng và hạn chế những tranh chấp phát sinh. Vậy quyền và nghĩa vụ của người lao động gồm những gì? Bài viết này Luật sư Thủ Đức sẽ giải thích cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề này.
1. Khái niệm người lao động
Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động thoe thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
2. Quyền và nghĩa vụ của người lao động
Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Người lao động có quyền và nghĩa vụ như sau:
2.1. Quyền của người lao động
Quyền của người lao động bao gồm:
– Làm việc. Tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp. Không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Theo tinh thần của Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Đây là một trong những quyền con người quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động. Việc tuyển dụng người lao động được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận và tự định đoạt của các bên theo nguyên tắc của thị trường và pháp luật.
Người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động. Làm bất cứ công việc mà pháp luật không cấm cũng như có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp với khả năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe và nâng cao trình độ nghề nghiệp. Các chế độ cũng được xác định theo nguyên tắc chung, không phân biệt thành phần kinh tế, giới tính. Trong trường hợp điều kiện lao động không đảm bảo hoặc khi có cơ hội tốt hơn. Người lao động có thể chấm dứt quan hệ lao động này tham gia vào quan hệ lao động khác.
– Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động. Được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động. Nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
Tiền lương là khoản tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động thực hiện công việc. Do vậy tiền lương có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động. Giúp cho người lao động và gia đình của họ có thể duy trì được mức sống tối thiểu. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi không được trả lương đúng thời hạn. Pháp luật quy định trường hợp không thể trả lương đúng thời hạn không được chậm quá 01 tháng. Người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Người lao động được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động phải đảm bảo môi trường làm việc đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu các mối nguy hại có thể ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của người lao động.
Người lao động phải được nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng các phúc lợi. Theo đó, Bộ luật Lao động có các quy định về Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
– Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; Yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
Người lao động làm việc trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn. Các tổ chức Công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Yêu cầu người sử dụng lao động, các cơ quan tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập công đoàn.
– Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
Người lao động được quyền từ chối điều chuyển sau 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm. Trường hợp doanh nghiệp điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. Theo đó, người lao động được quyền từ chối điều chuyển sau 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm. Trường hợp người lao động không đồng ý mà phải ngừng việc thì doanh nghiệp phải trả đủ tiền lương.
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do. Báo trước ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12tháng. Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12tháng đến 36tháng. Ít nhất 45 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải báo trước:
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc. Không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng. Bị ngược đãi, đánh đập hoặc nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. Bị cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục. Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định. Đủ tuổi nghỉ hưu. Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng.
– Đình công;
Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
Có thể nói đình công là biện pháp trực tiếp của người lao động để thực hiện đúng các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo pháp luật, nhất là đòi thỏa mãn những yêu cầu của người lao động về tiền lương, điều kiện làm việc và những đảm bảo xã hội, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của người lao động
Nghĩa vụ của người lao động bao gồm:
– Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
Trong các thoả thuận của hợp đồng lao động đã nêu rõ những nghĩa vụ cụ thể cho từng bên phù hợp với đặc điểm, tính chất nguyện vọng mang tính cá nhân, về phương diện chung nhất, mang tính bản chất, nghĩa vụ theo hợp đồng lao động của các mối quan hệ lao động là giống nhau. Đối với mỗi hợp đồng cụ thể sẽ ghi nhận những nội dung, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể. Tuỳ thuộc vào vấn đề hai bên quan tâm.
– Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động. Tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
Pháp luật lao động quy định yêu cầu người lao động, và người sử dụng lao động thực hiện các cam kết, mặc khác do đặc điểm và yêu cầu của sản xuất, kinh doanh. Vì sự ổn định và trật tự doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, vì sự an toàn của sản nghiệp, tài sản đầu tư nên pháp luật quy định người sử dụng lao động được quyền quản lý người lao động.
– Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Thực hiện nghĩa vụ này đòi hỏi người lao động tuân thủ, thực thi đúng và đầy đủ quy định về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quy định có liên quan đến hai lĩnh vực bảo hiểm nêu trên (khai báo, sử dụng thẻ, giám định, các thủ tục khác có liên quan, không thực hiện các điều cấm nhằm trục lợi…).
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như được giải đáp những thắc mắc mà bạn còn băn khoăn. Hãy liên hệ với chúng tôi ngay để được đội ngũ Luật sư giỏi hỗ trợ bạn